LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC TKV – CTCP

CHẶNG ĐƯỜNG HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (trước đây là Tổng công ty Than Việt Nam) được thành lập ngày 10/10/1994 theo Quyết định số 563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước giao, ngay từ ngày đầu hoạt động, Tập đoàn đã xây dựng đề án “Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, lựa chọn chiến lược “Phát triển kinh doanh đa ngành trên nền công nghiệp Than”. Với mục tiêu chiến lược đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) đã thực hiện những thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trên nền sản xuất than, Tập đoàn đã mạnh dạn sử dụng nguồn nhân lực sẵn có được đào tạo từ than để đầu tư các ngành nghề khác trong đó có ngành công nghiệp điện. Từ năm 1999, Tập đoàn đã chú trọng nghiên cứu, đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB) với chiến lược nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than của đất nước bằng cách ưu tiên phát triển các dự án nhiệt điện đốt than có nhiệt trị thấp nằm ngay cạnh các mỏ than, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là các nhà máy như: Nhiệt điện Na Dương (110MW) sử dụng than nhiệt lượng thấp có lưu huỳnh cao 6,5%; Nhiệt điện Cao Ngạn (110MW); Nhiệt điện Sơn Động (220MW); Nhiệt điện Cẩm Phả 1 & 2 (670MW); Nhiệt điện Đông Triều (440MW); Nhiệt điện Nông Sơn (30MW).

Để quản lý và phát triển Khối công nghiệp Điện thành một lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn, có quy mô lớn của Tập đoàn, triển khai các dự điện, các công ty con sản xuất điện theo hướng chuyên sâu và đạt hiệu quả cao nhất, ngày 21/10/2009 Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định số 5211/QĐ-BCT về việc thành lập Công ty mẹ – Tổng công ty Điện lực – TKV (nay là Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP). Công ty mẹ – Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP là Công ty cổ phần do Tập đoàn sở hữu cổ phần chi phối, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ và các công ty con.

Ngày 01/01/2010 Tổng công ty Điện lực – Vinacomin (nay là Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP) chính thức đi vào hoạt động và ngày 29/12/2015 Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP đã được tổ chức thành công. Việc ra đời Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP có nhiều ý nghĩa, trước hết thể hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về phát triển kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than. Thông qua việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện để nâng cao giá trị của hòn than, thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn, đồng thời cũng đóng góp rất quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp điện lực quốc gia, góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP (tên tiếng Anh là Vinacomin – Power Holding Corporation) được phép kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy thủy điện, các nhà máy điện tử sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và lưới điện, hệ thống cung cấp điện; Sản xuất điện; Truyền tải và phân phối điện; Mua, bán điện; Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình điện….

Đến thời điểm hiện nay, Tổng công ty có 5 đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 2 Công ty con, 2 công ty liên kết và 1 Công ty góp vốn theo hình thức BOT, cụ thể:

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ:

–        Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV;

–        Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn – TKV;

–        Công ty Nhiệt điện Sơn Động – TKV;

–        Công ty Thủy điện Đồng Nai 5 – TKV;

–        Công ty Nhiệt điện Đông Triều- TKV.

Các công ty con:

–        Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả – Vinacomin;

–        Công ty cổ phần Than – Điện Nông Sơn – Vinacomin.

Các công ty liên kết:

–        Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh;

–        Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng;

Công ty BOT: Dự án NMNĐ BOT Vĩnh Tân 1.

Đồng thời, Tổng công ty đã và đang triển khai các thủ tục đầu tư một số dự án mới theo Quy hoạch điện VII như: Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (1200MW); Nhiệt điện Na Dương 2 (100MW); Nhiệt điện Hải Phòng 3 (2400MW); Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440MW); ….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *